20 năm trước, một sự kiện rất quan trọng, được xem là cuộc đột phá làm thay đổi diện mạo lĩnh vực viễn thông ở nước ta, đó là việc chính thức chuyển đổi mạng viễn thông từ công nghệ analog sang công nghệ kỹ thuật số (digital).
Nói điện thoại, được nghe… radio
Hơn 20 năm, nhưng ông Nguyễn Bá (nguyên Giám đốc Bưu điện TP.HCM, nguyên Tổng giám đốc VNPT) vẫn nhớ rõ những trăn trở, tìm lối đi cho Bưu điện TP.HCM sau ngày giải phóng 30.4.1975. Mạng viễn thông ngày càng xuống cấp trầm trọng: cáp ngầm dưới mặt đất, khi gặp trời mưa lớn, nước ngập hệ thống cáp dẫn đến chạm mạch thường xảy ra, có lúc người dân đang nói chuyện điện thoại, thỉnh thoảng lại nghe tiếng rẹt rẹt của sóng radio lọt vào! Sự lạc hậu còn thể hiện ở chỗ: tổng đài bằng cơ khí chứ chưa có tổng đài điện tử; việc đấu nối cáp bị đứt thường chắp vá nên “mạng nhện” trên bầu trời thành phố dần dần phát triển.
Ông Nguyễn Bá (cầm điện thoại) và ông Nguyễn Văn Huấn thực hiện cuộc gọi đầu tiên sau khi chuyển mạng đêm 28.12.1991 - Ảnh: Tư liệu
Nhiều người dân TP.HCM sống ở thập niên 80 của thế kỷ trước chắc chắn còn nhớ: mỗi khi cần gọi điện thoại đi tỉnh (chứ chưa nói đến gọi đi quốc tế) phải sử dụng điện thoại nhân công, nghĩa là phải ra điểm bưu điện, nhờ cô nhân viên nối mạng đến số điện thoại cần gọi ở tỉnh, sau đó mới nói chuyện điện thoại được. Chưa kể, do hạn chế dung lượng của tổng đài, mạng cáp còn thiếu, nên thời ấy người dân muốn lắp đặt điện thoại rất khó khăn, dẫn đến tiêu cực xảy ra.Năm 1982, sau đợt công tác dài ngày từ Campuchia, ông Nguyễn Bá về làm Phó giám đốc Bưu điện TP.HCM. Ông cùng các anh em kỹ thuật bắt đầu xắn tay vào, nghiên cứu tìm tòi để giải quyết những yếu kém của mạng cáp.
Tháng 7.1984, một công trình quan trọng được Bưu điện TP.HCM đưa ra là phục hồi mạng cáp bị hư hỏng quá nặng, với sự phối hợp của Viện Hóa học quốc gia, dùng chất liệu hoá học không thấm nước để xử lý nối lại các mối đứt của cáp, công việc kéo dài gần 2 năm mới xong, và mạng cáp dần dần hồi phục. Tạm xong mạng cáp, nhưng tổng đài vẫn còn lạc hậu. Trong khi đó, thời kỳ này đất nước còn bị cấm vận, nên không thể mua được thiết bị kỹ thuật, hiện đại từ nước ngoài.
Năm 1984, Bưu điện TP.HCM mời lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, UBND TP.HCM vào cùng làm việc, nhấn mạnh cần gấp rút cải tạo lại tổng đài để phục vụ người dân được tốt hơn, chứ không thể kéo dài sự lạc hậu mãi.
Làm ăn với Việt kiều thời cấm vận
Trước những khó khăn bao vây vì cấm vận, không lẽ bó tay? Ông Nguyễn Bá kể, có lần họp ở Viện Kinh tế TP.HCM, được sự mách nước của một lãnh đạo UBND TP.HCM, thử liên hệ các Việt kiều xem có thể nhờ họ được không.
Các kỹ sư, chuyên gia Việt Nam và nước ngoài thực hiện công tác chuẩn bị cho đêm chuyển mạng - Ảnh: Tư liệu
Lóe ra ý mới, ông Nguyễn Bá cùng anh em bưu điện chia nhau đi tìm một số Việt kiều để nhờ mua vật tư. Năm 1986, ông Bá gặp được một Việt kiều (Hồng Kông) nhận giúp. Từ Hồng Kông, bà Việt kiều này liên hệ với đối tác bên Nhật để mua cáp giùm Bưu điện TP.HCM, hàng phải nhập từ Nhật về Hồng Kông, rồi mới nhập về TP.HCM.
Xong chuyện mua cáp, các lãnh đạo Bưu điện TP.HCM lại tính tiếp chuyện mua tổng đài điện tử. Đầu tiên, ông Nguyễn Bá giao ông Võ Hòa Bình (nay là Phó giám đốc Viễn thông TP.HCM) sang Canada, tìm mua một tổng đài Mitel phục vụ cho khoảng 200 thuê bao để lắp đặt ở khách sạn Rex. Nhưng cũng do đang bị cấm vận nên đối tác phía Canada không bán.
Thế là phải đi qua Bangladesh nhờ đối tác ở đây sang Canada mua giùm, rồi mới đem về được Việt Nam. Đã có kinh nghiệm “lách” chuyện cấm vận, nên sau đó, việc mua tổng đài được giải quyết nhanh hơn. Bưu điện TP.HCM lại đi đường vòng sang Hàn Quốc, nhờ mua giùm tổng đài Starex 5.000 số, nhờ đó mà phục vụ nhu cầu điện thoại đang tăng ở thành phố lúc bấy giờ.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), đất nước bước vào giai đoạn đổi mới. Năm 1990, Tổng cục Bưu điện cử đoàn sang Pháp để đàm phán thương thảo với Alcatel mua các tổng đài kỹ thuật số E10, dùng cho toàn quốc. Giai đoạn đó, Bưu điện TP.HCM cũng làm việc với Siemens (Đức), mua được tổng đài kỹ thuật số EWSD. Khi nhập về, tổng đài E1 được lắp ở Sài Gòn, tổng đài EWSD lắp ở Chợ Lớn. Đây là cột mốc quan trọng, mở đầu sự kiện tiếp cận công nghệ kỹ thuật số hiện đại, bước đột phá táo bạo trong thời kỳ cấm vận của Bưu điện TP.HCM. Cũng nhờ 2 tổng đài này, Bưu điện thành phố đã giúp 5 tỉnh, thành mở rộng mạng lưới (điện thoại đường dài, liên tỉnh).
Đêm trắng
Sau khi vật tư, thiết bị được nhập về, tình hình chuyển mạng từ công nghệ analog sang công nghệ kỹ thuật số dần chín muồi. Từ nửa cuối năm 1991, anh em kỹ sư, nhân viên kỹ thuật Bưu điện TP.HCM có 3 tháng chuẩn bị để lắp đặt tổng đài, nối mạng… nhằm chuyển từ tổng đài cũ sang tổng đài mới.
Căn thẳng trong đêm chuyển mạng. Ảnh: Tư liệu
Cuối tháng 12.1991, ông Trần Thắng Công (nay là Giám đốc Viễn thông TP.HCM) trao đổi ý kiến với Giám đốc Nguyễn Bá: “Mạng đã chuẩn bị xong, chúng ta chờ bước sang ngày 1.1.1992 sẽ chuyển hay chuyển ngay”. Ông Nguyễn Bá trả lời: Người dân thành phố rất háo hức chờ đón công nghệ kỹ thuật số từ lâu, đã chuẩn bị rồi thì chuyển ngay không chờ sang năm mới, càng sớm càng tốt. Và ông quyết định chọn đêm 28 rạng sáng 29.12.1991 là thời khắc cho việc đổi mới công nghệ ở Việt Nam.
Từ chiều 28.12.1991, rất đông những người có nhiệm vụ đã tập trung ở Bưu điện TP.HCM, không khí rất khẩn trương, thậm chí cả lo âu, bởi sự cố xảy ra trong lúc chuyển mạng thì mọi chuẩn bị coi như đổ sông, đổ bể, thậm chí mất cả uy tín của cán bộ lãnh đạo ngành.
Đêm ấy, gần như là đêm trắng của các kỹ sư, lãnh đạo Bưu điện TP.HCM; cả lãnh đạo Tổng cục Bưu điện (ông Mai Liêm Trực, ông Phan Mạnh Quang), lãnh đạo UBND TP.HCM cũng có mặt trực tiếp theo dõi.
Đúng 0 giờ ngày 29.12.1991, ông Nguyễn Văn Huấn - Phó chủ tịch UBND TP.HCM lúc bấy giờ và ông Nguyễn Bá chính thức ra lệnh chuyển mạng. Các tín hiệu chớp lên, báo hiệu việc chuyển các tổng đài từ công nghệ analog sang công nghệ digital diễn ra. Ngay sau đó, các cuộc gọi thử nghiệm từ Sài Gòn đi Hà Nội, đi các tỉnh lần lượt thực hiện đều thông suốt, rõ ràng. Mọi người bắt tay nhau, chúc mừng việc chuyển mạng thành công.
Chuyển mạng đã thành công. Ảnh: Tư liệu
Nhưng nỗi lo vẫn chưa dừng lại. Sáng hôm sau, khi người dân thành phố thức giấc, được báo tin truyền nhau việc chuyển mạng đã thành công, có thể gọi liên tỉnh thoải mái, không phải qua điện thoại nhân công như trước. Thế là người dân ùa vào thử gọi, việc nghẽn mạng xảy ra. Ngày tiếp theo tình trạng vẫn thế. Anh em kỹ thuật của Bưu điện TP.HCM rất lo âu. Nhưng dần dần việc gọi điện thoại cùng một lúc giãn ra, thế là tình trạng nghẽn mạng chấm dứt.
Với các tổng đài mới kỹ thuật số, TP.HCM trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng các dịch vụ mới. Hàng loạt vấn đề kéo theo trên mạng điện thoại được giải quyết: chất lượng cuộc gọi tốt hơn hẳn; người dân tự động gọi đi các tỉnh và quốc tế, không cần điện thoại nhân công; các dịch vụ cộng thêm phát triển liên tục...
Một trong những tổng đài kỹ thuật số của VNPT TP.HCM. Ảnh: Tư liệu
20 năm trôi qua, từ 2 tổng đài kỹ thuật số và 8 trạm vệ tinh ban đầu năm 1991, từ việc lắp đặt 2 tổng đài điện tử và 8 trạm vệ tinh ban đầu vào năm 1991. Đến nay mạng Viễn thông TP Hồ Chí Minh đã có 26 tổng đài và 170 trạm vệ tinh, phát triển trên 1 triệu thuê bao điện thoại cố định,tham gia phục vụ hơn 9 triệu thuê bao di động trên toàn thành phố; chiếm 90% thị phần điện thoại cố định.Đặc biệt, đến năm 2011 đã phát triển được trên 10 ngàn thuê bao cáp quang FTTx trên toàn thành phố chiếm 41% thị phần.
Có thể nói, đêm quyết định chuyển mạng từ analog sang kỹ thuật số không những đáp ứng nhu cầu cho người dân, mà còn tạo cột mốc quan trọng để ngành viễn thông trong nước phát triển theo xu hướng hiện đại của các mạng viễn thông trên thế giới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét