Ngồi với ông Trần Quốc Lập - nguyên Phó chủ tịch TT Hội đồng KHKT Bưu điện Tp.HCM những năm 1992-1996 - giữa bao chiếc smart và iphone trên những mặt bàn café xung quanh, nghe kể về những ngày mà dân buôn Sài Gòn sẵn sàng vác cả bao tải tiền đến chỉ mong được lắp đặt một số điện thoại, mới thấy tốc độ phát triển không thể tưởng tượng nổi của thông tin liên lạc ở Việt Nam.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, nhu cầu sử dụng điện thoại của các cơ quan, xí nghiệp, khu chung cư, khu phố, các chợ... ở Tp.HCM rất lớn, mật độ lúc bấy giờ khoảng 4-5 máy/100 dân trong khi mạng cáp ngày càng hư hỏng nặng và không có thiết bị thay thế. Hệ thống tổng đài analog do chế độ cũ để lại đã lạc hậu, dung lượng thấp và không có linh kiện sửa chữa thay thế, chất lượng tín hiệu rất thấp, nói chuyện dễ bị lộ bí mật do mạng cáp xuống cấp bị xuyên nhiễu tín hiệu... Người dân kêu ca quá trời.
Bao nhiêu khó khăn ngày càng chồng chất nặng vai những người làm Bưu điện, giả sử có USD lúc bấy giờ cũng không thể mua được thiết bị của các nước khác do vẫn còn bị cấm vận. Giám đốc Bưu điện Tp.HCM lúc bấy giờ là Nguyễn Bá đã cho anh em triển khai đồng thời 2 hướng: một mặt len lỏi tìm kiếm kênh kết nối với các thương gia nước ngoài nhờ mua giúp cáp và thiết bị thông tin; mặt khác ở trong nước thì anh em vừa ngày đêm ra sức khôi phục, chắp nối và hàn gắn mạng cáp, vừa nghiên cứu chế tạo ra các loại tổng đài nhỏ dùng cho nông thôn, phố chợ mà ta chưa có điều kiện phục vụ.
Đã có rất nhiều đề xuất và sáng kiến của anh em kỹ thuật gửi về phòng Viễn thông, và Hội đồng KHKT đã thông qua 2 đề tài nóng bỏng và có tính khả thi cần làm ngay là: trong khi chưa có máy cung cấp đến từng gia đình thì lắp đặt 2-3 máy điện thoại công công trên mỗi một con đường, khu phố nhỏ để người dân sử dụng, dịch vụ có thu để bù chi và đầu tư phát triển tiếp mạng lưới; tiết kiệm từng mét cáp và nghiên cứu sản xuất tổng đài nhỏ kết nối tương thích với tổng đài chính kỹ thuật số để sử dụng trên mạng lưới.
Thành công từ việc thí điểm lắp đặt máy phục vụ dân đó, Bưu điện Tp.HCM đã quyết định thành lập Trung tâm Điện thoại công cộng (ĐTCC) hạch toán độc lập và lấy thu bù chi, với nhiệm vụ xây dựng và quản lý mạng lưới các điểm đại lý điện thoại trên địa bàn, cũng như để phục vụ khách vãng lai và du lịch. Mô hình này đã phát triển nhanh và gây tiếng vang, lan tỏa đi các miền Đông, miền Tây Nam bộ và ra cả miền Trung, miền Bắc.
Từ nguồn vốn bán đầu 50 triệu với doanh thu gần 1,6 tỷ đồng năm 1992, thì đến năm 1996 Trung tâm ĐTCC đã có gần 6 tỷ đồng tiến vốn và đạt 159 tỷ đồng doanh thu. Trong thời gian đó, đơn vị đã triển khai được 7.500 đại lý điện thoại công cộng; đồng thời sản xuất là lắp đặt 19 tổng đài các loại, phục vụ cho khoảng 6.000 thuê bao ở các khu dân cư, chợ lớn/nhỏ của Thành phố.
Giờ đây đã có rất nhiều nông dân “chân lấm tay bùn” có số điện thoại riêng cho mình. Sự tiện lợi quá thể và chi phí rẻ vô cùng để sở hữu một chiếc điện thoại di động đã khiến nhiều người quay lựng lại với điện thoại cố định nói chung, điện thoại công cộng nói riêng. Nhiều người tỉnh táo vẫn giữ lại chiếc điện thoại bàn trong nhà với quan điểm để sử dụng tùy lúc “đúng người đúng việc”, đặc biệt còn để dự phòng và tiếp tục sử dụng các dịch vụ giá tăng giá trị sẽ ngày càng nhiều từ nhà cung cấp. Trong thế giới của biết bao sự đổi thay này, lại nhớ câu ca dao “được mùa chớ phụ ngô khoai” của người xưa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét